25 Tháng Năm
2021

Giáo dục sớm: Hãy để con chơi

Ua admin

Các chương trình này thường nhấn mạnh “3 năm đầu đời” là giai đoạn quan trọng cho việc học do bộ não phát triển với tốc độ nhanh nhất, đạt 80% thể tích. Do đó, bố mẹ cần phải dạy cho con biết nhiều thứ – càng nhiều càng tốt.Nếu bỏ qua giai đoạn này thì gần như đã mất đi một cơ hội vàng phát triển trí tuệ cho con, mất đi lợi thế tăng chỉ số IQ và thua kém chúng bạn.

Giáo dục sớm: Hãy để con chơi

Nhiều bố mẹ không tiếc tiền bỏ ra cả chục triệu đồng mua cho con các bộ thẻ học, với mong muốn con sẽ sớm được thẩm thấu khả năng đọc và làm toán ngay từ trong giai đoạn 0-3 tuổi. Mong muốn con thông minh giỏi giang là chính đáng nhưng liệu việc“giáo dục sớm” cho trẻ – với nghĩa là cho trẻ học càng sớm và càng nhiều càng tốt– liệu có thực sự hiệu quả như quảng cáo?

3 năm đầu đời rất quan trọng, nhưng không phải là tất cả

Trong một cuốn sách liên quan đến chủ đề này, lấy tựa đề là ““Einsteinnever used flashcards” (tạm dịch: Einstein không bao giờ dùng thẻhọc), GS Kathy Hirsh-Pasek, chuyên gia nghiên cứu về ngôn ngữ trẻ em tại ĐH Temple, Mỹ đã chỉ rằng đây là một lập luận không có cơ sở khoa học.

Về cơ bản, việc phát triển về “lượng” của não bộ không đồng nghĩa với sự phát triển về “chất”. Và cũng không có nghĩa rằng vì não đang phát triển nhanh nên nếu trong giai đoạn này trẻ được học nhiều thì sẽ càng tạođược nhiều dây thần kinh liên kết (synapses), do đó sẽ thông minh hơn về sau.

GS Kathy và các tác giả cuốn sách phân tích rằng sự phát triển của não bộ gồm có 2 phần: một phần là sự phát triển độc lập không phụ thuộc vào ngoại cảnh, đơn cử là đứa trẻ sự tự biết bò, tự biết đi mà không cần ai phải dạy chúng cả. Đây là hệ quả của một quá trình tiến hóa qua hàng triệu năm của loài người và chúng ta không thể tác động được gì. Phần thứ 2 là sự phát triển phụ thuộc vào môi trường mà đứa trẻ tương tác (experience-dependant).Ngôn ngữ là một ví dụ điển hình – đứa trẻ sẽ nói thứ ngôn ngữ mà mọi người xung quanh nói, chứ không phải là ngôn ngữ của người sinh ra mình. Ngôn ngữ phải học chứ không phải là một kĩ năng sẵn có.

Đối với việc học các kĩ năng thì đúng là có các “giai đoạn mở”, khi đó nếu được học chúng ta sẽ tiếp thu nhanh hơn. Tuy vậy, nhìn chung con người luôn có thể học các kĩ năng mới bất cứ lúc nào.

Nghiên cứu cho thấy trong quá trình hình thành ở những năm đầu, bộ não cần có những “vùng trống” để chuẩn bị cho các kiến thức sẽ học trong tương lai. Các vùng trống này là cần thiết chứ không cần phải lấp cho đầy. Tác giả lấy một ví dụ mô tả tình trạng nhồi kiến thức giống như đường dây điện thoại bị nghẽn mạng. Nếu trẻ học quá nhiều một thứ gì đó những năm đầu đời thì não bộ tập trung phát triển các kĩ năng này và không có vùng trống dự trữ để học các kĩ năng khác về sau.

Sử dụng thẻ học (flashcard) – nên hay không?

Nhiều bố mẹ đầu tư rất nhiều tiền (ở Mỹ có thể vài nghìn $) để tham dự các khóa học lẫn mua các giáo cụ được quảng cáo là giúp trẻ thông minh, biết đọc và làm toán sớm.  Thiện ý đó chưa hẳn đã mang lại kết quả tích cực– mà đôi khi còn có tác dụng ngược.

Việc sử dụng flashcard là một ví dụ. Theo các tác giả, đây là kiểu học vẹt và không giúp ích gì cho việc học ngôn ngữ hay toán về sau. Lí do là trẻ chưa thể hiểu được và chỉ học qua việcnhớ mặt chữ/hình một cách máy móc.Đôi khi điều này còn gây khó khăn khi trẻ bắt đầu học đánh vần, tập viết hay tậpđọc về sau vì đã quen với cách học theo kiểu ghi nhớ hình ảnh.

Cũng chưa có một nghiêncứu nào cho thấy việc sử dụng flashcard giúp trẻ thông minh hơn, mặc dù phương pháp này đã được áp dụng hơn 20 năm nay. Theo các tác giả, việc đếm được từ 1 đến 100 khi mới 2 tuổi hay nhớ 100 từ nghe thì rất ấn tượng nhưng cũng không có mấy ý nghĩa giáo dục. Việc học có hiệu quả nhất khi người ta muốn học và liên hệ tới một bối cảnh cụ thể.

Ví dụ, khi đứa trẻ cầm quả bóng và giơ lên gọi với ý là muốn biết vật này đọc thế nào. Người bố hoặc mẹ lúc này sẽ nói với con “Quả bóng” và đứa trẻ sẽ thẩm thấu. Đấy là cách học tự nhiên và hiệu quả, chứ không phải là giơ các chữ trước mặt mà trẻ chẳng hiểu đấy là cái gì hay không cóchút liên hệ nào với thực tế xungquanh.

Nhà tâm lý WilliamGlasser tổng kết như sau “Chúng ta học được 10% những gì đã đọc, 20% những thứ đãnghe, 30% những thứ nhìn thấy, 50% những cái vừa thấy vừa nghe, 70% từ thảo luận,80% từ trải nghiệm, và 95% những gì chúng dạy lại người khác”. Cách dạy tốt nhất là để cho trẻ được trải nghiệm thật nhiều, thay vì những bài học vẹt.

GS Kathy và các tác giả khuyên rằng trước khi mua bất cứ một món đồ nào các bố mẹ nên nhớ rằng trẻ sẽ tự biết mình muốn gì và bố mẹchỉ cần ở bên cạnh để hỗ trợ khi cần thiết. Hãy tranh thủ những thời khắc phù hợp để dạy con, chơi cùng con và đơn giản chỉ là ở bên cạnh con.

Không phải ai cũng thành thiên tài

Một số bố mẹ Việt thì có lí do khác để bắt con phải học chữ, hoặc toán rất sớm: bắt kịp với chương trình học khi vào lớp 1. Trong một xã hội mà chiếc cặp đi học của trẻ ngày càng nặng thì chúng ta có hai nhân vật chính để đổ lỗi: Bộ Giáo Dục và phụ huynh. Cá nhân mình cho rằng việc lo lắng con không theo kịp các bạn bè cùng lứa khi đi học là một nỗi lo chính đáng, nhưng nếu vì thế mà  đẩy trách nhiệm đó lên mình đứa trẻ thì đó là lỗi của chúng ta.

Còn nếu bạn mơ một ngày con vào Harvard ư? Hãy nhớ rằng số sinh viên Harvard nhận chỉ chiếm 0,01% trên tổng số sinh viên nhập học mỗi năm. Bài toán vào Harvard giống như một trò chơi xác suất nhiều hơn là việc bạn và con bạn cố gắng và giỏi đến đâu đi nữa. Harvard là một ước mơ tuyệt vời, nhưng liệu bạn có bao giờ nghĩ phải chăng là mình đang áp đặt tham vọng và ích kỉ cá nhân của mình lên đôi vai con. Bạn có bao giờ nghĩ con lớn lên có thể sẽ không thông minh như bố mẹ chúng, hoặc rất có thể một ngày nào đó đổi ý muốn đi tu, hay nói rằng con là gay hay lesbian. Liệu trái tim của bạn có đủ lớn để chấp nhận điều mình không mong muốn nhưng giúp con sống thật với chính mình và chính khả năng mà Thượng Đế đã ban cho chúng?

Chúng ta cũng lo lắng nhiều về khả năng làm toán. Nhưng bạn hãy nhớ rằng máy tính ngày nay, và tương lai là robot sẽ làm thay con người rất nhiều việc, nhất là việc tính toán thì một người bình thường đã thua xa. Jeffrey Seligo, tổng biên tập của tạp chí uy tín chuyên về giáo dục đại học và sau đại học của Mỹ, the Chronicle of Higher Education, có kết luận như sau: Kĩ năng quan trọng nhất mà sinh viên đại học cần đó là khả năng trả lời những câu hỏi của ngày mai mà ngày hôm nay chúng ta còn chưa biết. Khi mà công nghệ thông tin đang ngày càng phát triển như vũ bão, máy tính tính toán nhanh hơn con người thì các nhà nghiên cứu giáo dục nhấn mạnh rằng SÁNG TẠO và TƯ DUY ĐỘC LẬP là hai kĩ năng quan trọng nhất cho những người lao động của thế kỉ 21. Hai kĩ năng này không thể phát huy trong các bài học vẹt hay các chương trình học khô cứng. Đây là nhiệm vụ chính của chúng ta – những người bố mẹ nhiệt huyết với giáo dục sớm nhưng luôn thiếu tầm nhìn.

Hãy để trẻ tự do chơi

Cho trẻ tham gia các lớphọc kĩ năng cũng là một cách chơi, nhưng không giống như khi bạn cho trẻ một môi trường tự do hoàn toàn. Đã là lớp học thì bao giờ cũng có chương trình riêng và khi tham gia thì ít nhiều trẻ sẽ phải tuân theo các bước đã lập sẵn.

Ngay cả ở Mỹ – một quốc gia vốn tự hào với nên giáo dục tiên tiến nhất nhì thế giới, các chương trình giáo dục tại nhà trường đang ngày càng trở nên rập khuôn và tập trung quá nhiều vào các bài test, ghi nhớ.

Giáo dục sớm: Hãy để con chơi

“Đây là một sự hiểu lầm nghiêm trọng về việc trẻ học như thế nào” – trích lời GS Nancy Carlsson-Paige, Đại học Lesley,bang Massachusset. Nhiều giáo viên cũng cảm thấy có gì đó sai khi học sinh không còn mấy hứng thú với bài học, ngồi nhìn chằm chằm vào các con chữ một cách thờ ơ hoặc vô cảm.

Còn nếu bạn cho rằng “tiền nào của nấy”, lớp học càng đắt tiền, chương trình càng đắt tiền thì chắc hiệu quả càng cao thì hãy suy nghĩ lại.

Các công ty và những nhà kinh doanh nhạy bén rất thích đánh vào tâm lý này của các bố mẹ và ra giá trên trời. Trong một cuốn sách gần đây miêu tả về cuộc sống của các bà mẹ thuộc giới siêu giàu ở NewYork, tác giả Wednesday Martin đã kể rằng những đứa trẻ thuộc các gia đình này được các bà mẹ chăm sóc kĩ lưỡng đến mức cho tham gia các chương trình giáo dục kín mít. Nhưng đến khi đăng kí đi học mẫu giáo thì một số trẻ lại không đạt yêucầu do không có khả năng tự chơi (vì chúng đã quen tham gia các chương trình đượclập sẵn và gần như không có thời gian chơi một mình). Đến mức các bà mẹ này lại phải thuê chuyên gia tâm lý trẻ em đến hướng dẫn chúng…tự chơi!!

Đối với đa số các gia đình thì vấn đề có lẽ không nghiêm trọng đến thế, nhưng nói ra để thấy rằng với thiện ý “mong muốn những điều tốt nhất cho con”chưa chắc đã đem đến cho trẻ những điều tốt nhất.

Trẻ học tốt nhất là khichúng được tự do chơi. Trong những năm đầu đời trẻ cần nhất là sự yêu thương, tình cảm từ bố mẹ và mọi người xung quanh và tự do khám phá thế giới theo cách của mình. Điều này sẽ giúp trẻxây dựng các kĩ năng xã hội, sự tự tin và trí tưởng tượng – những yếu tố quan trọng cho sự phát triển lành mạnh và toàn diện về sau, chứ không cần thiết phải có sự tăng cường về các chương trình giáo dục sớm đang sôi sùng sục như hiện nay.

Một môi trường lí tưởng dành cho trẻ là một môi trường bình thường – là tất cả những gì tự nhiên nhất trong cuộc sống hằng ngày mà trẻ tương tác.Điều đó có nghĩa là trẻ có thể được sờ, nắm, nếm, ngửi tất cả những gì mà chúng thấy trong cuộc sống hằng ngày, như là nghịch nước, chơi với cát, sỏi, chạytrên bãi cỏ, xúc đất, chăm sóc cây, sờ vào chai lọ nồi niêu của bố mẹ, chứ không phải là ngồi học những bài phát triển trí thông minh trong sự nhàm chán, trong khi đụng vào cái gì trong nhà thì đều bị la mắng, cấm đoán. Là bố mẹ,bạn có thấy đấy là một điều vô lý hay không?